Cấp giấy phép cho nhà thầu nước ngoài

Theo các quy định mới của Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật liên quan, nhà thầu nước ngoài có thể tham gia đấu thầu và thực hiện các dự án xây dựng tại Việt Nam. Nhà thầu nước ngoài có thể đóng vai trò là tổng thầu, nhà thầu chính, nhà thầu liên danh, hoặc nhà thầu phụ. Tuy nhiên, để thực hiện các hoạt động xây dựng, nhà thầu nước ngoài cần phải được cấp Giấy phép hoạt động xây dựng theo từng hợp đồng sau khi trúng thầu. Thủ tục cấp Giấy phép hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài được thực hiện như sau:

tu-van-dau-tu-3

1. Căn cứ pháp lý

  • Luật xây dựng 2014;

  • Luật Xây dựng sửa đổi 2020;

  • Nghị định 15/2021/NĐ-CP hướng dẫn một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

  • Nghị định 35/2023/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;

  • Thông tư 02/2019/TT-BXD hướng dẫn chi tiết về chế độ báo cáo định kỳ; sửa đổi, bổ sung, thay thế một số điều của Thông tư liên quan đến chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Theo quy định, nhà thầu nước ngoài thực hiện hoạt động xây dựng thì phải thực hiện cấp giấy phép hoạt động xây dựng. Theo quy định của Luật xây dựng “Hoạt động xây dựng” gồm: lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám sát xây dựng, quản lý dự án, lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng và hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình.

2. Điều kiện nhà thầu nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động xây dựng

  • Nhà thầu nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động xây dựng khi có quyết định trúng thầu hoặc được chọn thầu của chủ đầu tư/nhà thầu chính (phụ);

  • Nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ công việc nào của gói thầu. Khi liên danh hoặc sử dụng nhà thầu Việt Nam phải phân định rõ nội dung, khối lượng và giá trị phần công việc do nhà thầu Việt Nam trong liên danh; nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện;

  • Nhà thầu nước ngoài phải cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến hoạt động nhận thầu tại Việt Nam.

3.Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài

  • Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động xây dựng theo mẫu tại phụ lục III Nghị định 15/2021/NĐ-CP;

  • Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử về kết quả đấu thầu hoặc quyết định chọn thầu hợp pháp;

  • Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề (nếu có) của nước nơi mà nhà thầu nước ngoài mang quốc tịch cấp;

  • Biểu báo cáo kinh nghiệm hoạt động liên quan đến các công việc nhận thầu và bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử báo cáo tổng hợp kiểm toán tài chính trong 03 năm gần nhất (đối với trường hợp không thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu);

  • Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử Hợp đồng liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc hợp đồng chính thức hoặc hợp đồng nguyên tắc với nhà thầu phụ Việt Nam để thực hiện công việc nhận thầu (đã có trong hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu);

  • Giấy ủy quyền hợp pháp đối với người không phải là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu;

  • Bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư của dự án/công trình.

Lưu ý khi chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam

  • Đơn đề nghị phải được lập bằng tiếng Việt;

  • Giấy phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam và các nước có liên quan là thành viên có quy định về miễn trừ hợp pháp hóa lãnh sự;

  • Các giấy tờ, tài liệu khác nếu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch ra tiếng Việt và bản dịch phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam;

  • Theo nguyên tắc, nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ công việc nào của gói thầu. Khi liên danh hoặc sử dụng nhà thầu Việt Nam phải phân định rõ nội dung, khối lượng và giá trị phần công việc do nhà thầu Việt Nam trong liên danh; nhà thầu phụ Việt Nam thực hiện; Trường hợp nhà thầu nước ngoài không liên danh hoặc sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam thì cần giải thích rõ lý do.

4. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ xin cấp Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài

  • Sở Xây dựng cấp giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài thực hiện đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh.

  • Trường hợp dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn của 02 tỉnh trở lên thì cơ quan có thẩm quyền cấp là Sở Xây dựng thuộc địa phương nơi nhà thầu nước ngoài dự kiến đặt văn phòng điều hành.

5. Thủ tục xin cấp Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài

Nhà thầu nước ngoài nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan cấp Giấy phép hoạt động xây dựng theo thẩm quyền.

Hình thức nộp hồ sơ: Nhà thầu có thể lựa chọn nộp hồ sơ qua một trong các hình thức sau:

  • Trực tiếp tại cơ quan nhà nước;

  • Qua dịch vụ bưu chính;

  • Cổng thông tin điện tử của cơ quan cấp phép (nếu có);

Cơ quan có thẩm quyền cấp phép xem xét hồ sơ để cấp Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp không cấp, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động xây dựng phải trả lời bằng văn bản cho nhà thầu và nêu rõ lý do.

6. Chú ý sau khi nhà thầu nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động xây dựng

  • Sau khi được Cấp giấy phép hoạt động xây dựng, Nhà thầu nước ngoài phải đăng ký thông tin của Văn phòng điều hành và người đại diện thực hiện hợp đồng;

  • Nhà thầu nước ngoài phải đăng ký sử dụng con dấu của văn phòng điều hành công trình tại Cơ quan công an theo thẩm quyền của Cơ quan cấp giấy phép hoạt động xây dựng. Nhà thầu nước ngoài chỉ sử dụng con dấu này trong công việc phục vụ thực hiện hợp đồng tại Việt Nam theo quy định tại giấy phép thầu. Khi kết thúc hợp đồng, nhà thầu nước ngoài phải nộp lại con dấu cho cơ quan cấp;

  • Nhà thầu nước ngoài phải đăng ký và nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam, thực hiện chế độ kế toán, mở tài khoản, thanh toán theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để phục vụ hoạt động kinh doanh theo hợp đồng;

  • Nhà thầu nước ngoài phải thực hiện việc tuyển lao động, sử dụng lao động Việt Nam và lao động là người nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam về lao động; chỉ được phép đăng ký đưa vào Việt Nam những chuyên gia quản lý kinh tế, quản lý kỹ thuật và người có tay nghề cao mà Việt Nam không đủ khả năng đáp ứng;

  • Ngoài ra, nhà thầu nước ngoài cần tuân thủ các nghĩa vụ khác theo quy định tại điều 107 Nghị định 15/2021/NĐ-CP.

  • Quy định về báo cáo: Chậm nhất vào ngày 16 tháng 12 hằng năm, nhà thầu nước ngoài có trách nhiệm báo cáo cơ quan cấp giấy phép hoạt động xây dựng và Sở Xây dựng nơi có dự án về tình hình thực hiện hợp đồng.

7. Một số câu hỏi của nhà thầu nước ngoài

*Nhà thầu nước ngoài là ai?

Nhà thầu nước ngoài bao gồm các tổ chức, cá nhân nước ngoài có năng lực pháp luật dân sự và, đối với cá nhân, cần có năng lực hành vi dân sự để ký kết và thực hiện hợp đồng. Năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của nhà thầu nước ngoài được xác định theo pháp luật của quốc gia nơi nhà thầu có quốc tịch.

*Nhà thầu nước ngoài tham gia dự án tại Việt Nam gồm những đối tượng nào?

Trong dự án tại Việt Nam, nhà thầu nước ngoài có thể là:

  • Tổng thầu;

  • Nhà thầu chính;

  • Nhà thầu liên danh;

  • Nhà thầu phụ.

*Thủ tục cấp Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài bao gồm các hoạt động nào?

Nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam có thể thực hiện các hoạt động sau:

  • Lập quy hoạch xây dựng

  • Lập dự án đầu tư xây dựng

  • Khảo sát xây dựng

  • Thiết kế xây dựng

  • Thi công xây dựng

  • Giám sát xây dựng

  • Quản lý dự án đầu tư xây dựng

  • Lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng

  • Nghiệm thu bàn giao công trình

  • Bảo hành, bảo trì công trình xây dựng

  • Cung cấp vật tư và thiết bị công nghệ kèm theo dịch vụ kỹ thuật liên quan đến công trình xây dựng

  • Các hoạt động khác liên quan đến xây dựng công trình

8. Dịch vụ xin cấp Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài

ESLaw cung cấp các dịch vụ sau:

  • Tư vấn điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam.

  • Tư vấn các thủ tục xin cấp Giấy phép hoạt động xây dựng.

  • Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

  • Dịch, công chứng dịch, hợp pháp lãnh sự các tài liệu cần thiết.

  • Hoàn thiện hồ sơ để được cấp Giấy phép.

  • Thực hiện thủ tục xin Giấy phép tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

  • Đăng ký và xin cấp con dấu Văn phòng điều hành công trình.

  • Tư vấn và soạn thảo Hợp đồng liên danh với nhà thầu Việt Nam.

Các nhà thầu nước ngoài có nhu cầu tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam hoặc cần hỗ trợ xin cấp Giấy phép hoạt động xây dựng, xin vui lòng liên hệ ESLaw để được tư vấn và hỗ trợ ác dịch vụ pháp lý để hoạt động được nhanh chóng, an toàn và hợp pháp.

 

Thông báo

Facebook
Zalo
Hà Nội
HCM