Giải quyết tranh chấp thương mại

Mối quan hệ trong hoạt động kinh doanh thương mại vừa mang tính hợp tác, vừa mang tính xung đột. Do đó, khi xảy ra tranh chấp, các bên thường tìm cách giải quyết nhanh chóng những bất đồng, mâu thuẫn để khôi phục hoạt động kinh doanh và sản xuất trở lại trạng thái bình thường, ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khách hàng gặp khó khăn trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp trong lĩnh vực thương mại. Để giải đáp những thắc mắc này, ESLaw xin gửi đến quý khách hàng bài viết dưới đây về các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại.

12

I. Căn cứ pháp luật:

  • Luật Thương mại năm 2005;

  • Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

  • Luật Trọng tài thương mại năm 2010;

  • Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại.

II. Tranh chấp thương mại là gì?

Tranh chấp thương mại là sự mâu thuẫn, xung đột giữa các chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh với nhau. Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động khác nhằm mục đích sinh lợi.”

Do đó, có thể hiểu rằng, tranh chấp thương mại xuất phát từ các mâu thuẫn, xung đột về lợi ích phát sinh từ hoạt động thương mại, mà ít nhất một bên là chủ thể kinh doanh liên quan đến các hoạt động thương mại như đầu tư, sản xuất, mua bán, cung ứng dịch vụ thương mại trên thị trường.

III. Đặc điểm của tranh chấp thương mại

Từ khái niệm trên, có thể rút ra một số đặc điểm chính của tranh chấp thương mại như sau:

  1. Tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại: Đây là điểm đặc trưng cốt lõi, thể hiện mối quan hệ kinh doanh giữa các chủ thể.

  2. Tranh chấp chủ yếu diễn ra giữa các thương nhân: Tranh chấp thương mại chủ yếu phát sinh giữa các doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động thương mại.

Lưu ý: Mặc dù tranh chấp thương mại thường xảy ra giữa các thương nhân, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, tranh chấp có thể phát sinh giữa các cá nhân không phải thương nhân, chẳng hạn như tranh chấp giữa các thành viên công ty với nhau liên quan đến các vấn đề thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, chuyển đổi hình thức công ty.

IV. Các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại

Tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, các bên có thể lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, có các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại như sau:

  1. Thương lượng

    • Là phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống và lâu đời nhất. Đây cũng là bước đầu tiên mà các bên thường lựa chọn trước khi tìm đến các biện pháp pháp lý khác.

    • Thương lượng là quá trình mà các bên tự nguyện thảo luận, bàn bạc với nhau để tìm ra giải pháp chung mà không cần sự can thiệp của bất kỳ bên thứ ba nào. Các bên sẽ tự trao đổi và tháo gỡ những mâu thuẫn nhằm đạt được thoả thuận cuối cùng.

    • Phương thức này có ưu điểm nổi bật là đơn giản, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, không bị ràng buộc bởi các thủ tục pháp lý và có thể bảo vệ được bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất là kết quả thương lượng không được bảo đảm bằng cưỡng chế nhà nước, nên phụ thuộc hoàn toàn vào thiện chí và sự tự nguyện của các bên.

  2. Hoà giải

    • Là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua một bên trung gian – là cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên tranh chấp thỏa thuận lựa chọn để đóng vai trò trung gian hòa giải.

    • Bên trung gian đóng vai trò quan trọng trong quá trình hòa giải, không chỉ vì phải đảm bảo được uy tín, mà còn phải có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm giải quyết tranh chấp. Bên trung gian chỉ có vai trò hỗ trợ các bên trong việc tìm ra giải pháp tốt nhất để giải quyết tranh chấp, chứ không trực tiếp đưa ra phán quyết.

    • Một ưu điểm của phương thức này là thủ tục hòa giải thường linh hoạt, đơn giản, nhanh chóng và ít tốn kém. Tuy nhiên, kết quả của hòa giải phụ thuộc hoàn toàn vào sự tự nguyện thi hành của các bên, trừ khi có sự công nhận từ phía Tòa án (theo Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).

  3. Toà án

    • Là cơ quan tư pháp nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định pháp luật. Các bên khi đưa tranh chấp ra Tòa án sẽ phải tuân thủ theo các trình tự, thủ tục tố tụng nghiêm ngặt.

    • Đối với các tranh chấp thương mại, Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về các loại tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, bao gồm tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa các cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh và tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ.

    • Một điểm quan trọng là kết quả của quá trình tố tụng tại Tòa án sẽ mang tính cưỡng chế thi hành. Nếu một bên không tự nguyện thực hiện bản án hoặc quyết định của Tòa, thì cơ quan thi hành án sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế để đảm bảo việc thi hành.

    • Giải quyết tranh chấp tại Tòa án thường kéo dài do phải tuân thủ các giai đoạn xét xử như sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm. Tuy nhiên, bản án của Tòa có giá trị pháp lý bắt buộc với các bên đương sự.

  4. Trọng tài thương mại

    • Là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tư pháp. Các bên tranh chấp tự nguyện lựa chọn trọng tài viên để giải quyết tranh chấp thay vì thông qua Tòa án.

    • Trọng tài thương mại có thể là trọng tài thường trực hoặc trọng tài vụ việc. Trọng tài thường trực là các trung tâm trọng tài được thành lập và hoạt động theo luật định, còn trọng tài vụ việc được thành lập riêng lẻ để giải quyết một vụ tranh chấp cụ thể và sẽ giải thể khi vụ việc kết thúc.

    • Mỗi trung tâm trọng tài đều có điều lệ riêng, có danh sách trọng tài viên. Đặc biệt, là quy tắc tố tụng riêng được xây dựng căn cứ vào đặc thù của từng trung tâm.

    • Các nguyên tắc khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài bao gồm:

      • Thoả thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng trọng tài các vụ tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh trong hoạt động thương mại;

      • Việc giải quyết bằng trọng tài đòi hỏi phải có sự thoả thuận của các bên. Thoả thuận này có thể có trước hoặc sau khi có tranh chấp;

      • Nguyên tắc trọng tài độc lập, vô tư, khách quan;

      • Nguyên tắc trọng tài phải căn cứ vào pháp luật;

      • Tôn trọng sự thoả thuận của các bên;

      • Nguyên tắc giải quyết 1 lần: Trọng tài thương mại không có cơ quan cấp trên nên phán quyết trọng tài có giá trị trung thẩm, không bị kháng cáo kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm như bản án sơ thẩm của toà án và không có thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm

V. Các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài

Tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài là những tranh chấp mà có ít nhất một trong ba yếu tố nước ngoài:

  1. Yếu tố nước ngoài về chủ thể: Một bên hoặc các bên tranh chấp có quốc tịch hoặc nơi cư trú ở nước ngoài.

  2. Yếu tố nước ngoài về khách thể: Tài sản tranh chấp ở nước ngoài.

  3. Yếu tố nước ngoài về sự kiện pháp lý: Sự kiện xảy ra ở nước ngoài.

Việc giải quyết các tranh chấp này thường được thực hiện tương tự như các tranh chấp thông thường, nhưng cần lưu ý đến thẩm quyền của Tòa án và Trọng tài quốc tế, cụ thể:

  • Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định thẩm quyền chung của Toà án nhân dân Việt Nam đối với các trường hợp giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài;

  • Toà án nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật.

  • Trọng tài thương mại quốc tế là phương thức ngày càng phổ biến trong giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại có yếu tố nước ngoài. Các quy định về nội dung và thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hình thức trọng tài được thực hiện dựa trên thỏa thuận của các bên, và tính khả thi của phán quyết trọng tài phụ thuộc phần lớn vào pháp luật nơi giải quyết tranh chấp và nơi thi hành phán quyết trọng tài trên cơ sở công ước New York 1954.

VI. Dịch vụ giải quyết tranh chấp thương mại của ESLaw

ESLaw cung cấp đầy đủ các dịch vụ pháp lý về giải quyết tranh chấp thương mại, bao gồm:

  • Tư vấn pháp lý và đưa ra các cơ sở pháp lý phù hợp, giúp khách hàng lựa chọn phương án giải quyết tranh chấp hợp đồng, giao dịch thương mại hiệu quả nhất.

  • Đại diện khách hàng tham gia các cuộc thương lượng, hòa giải tranh chấp thương mại, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho khách hàng.

  • Bảo vệ quyền lợi khách hàng tại Tòa án và Trọng tài thương mại: ESLaw sẽ đại diện khách hàng tham gia tranh tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong các phiên tòa hoặc quá trình tố tụng trọng tài.

Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn, hỗ trợ giải quyết tranh chấp thương mại, xin vui lòng liên hệ ESLaw để được cung cấp dịch vụ pháp lý chất lượng và chuyên nghiệp nhất.

Thông báo

Facebook
Zalo
Hà Nội
HCM