Có được yêu cầu chồng bồi thường thanh xuân khi ly hôn

Tôi kết hôn năm 19 tuổi, và sau 10 năm chung sống, chồng tôi đã ngoại tình và đòi ly hôn, đồng thời để lại cho tôi trách nhiệm nuôi dưỡng hai con nhỏ. Chúng tôi đã đồng ý chia đôi tài sản gồm nhà cửa, xe máy và các thiết bị ở cửa hàng, nhưng tôi cảm thấy điều đó không công bằng. Anh ta có thể tiếp tục cuộc sống và tái hôn, trong khi tôi phải gánh vác việc nuôi con và đối mặt với khó khăn trong việc tìm kiếm một người bạn đời mới sau ly hôn. Vậy tôi có thể yêu cầu chồng bồi thường thanh xuân của mình không?

Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cùng các văn bản liên quan chưa có quy định việc “bồi thường thanh xuân” cho phụ nữ khi ly hôn. Do đó, việc bạn yêu cầu chồng bồi thường về vấn đề này sẽ không có cơ sở pháp lý để giải quyết. Thực tế, nếu có bồi thường thì chỉ dựa trên sự thỏa thuận tự nguyện giữa hai bên.

Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong các vụ ly hôn, Tòa án thường sẽ cân nhắc các yếu tố như công sức đóng góp trong hôn nhân, lỗi của mỗi bên, và khó khăn sau ly hôn khi chia tài sản chung. Cụ thể, theo Khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi nhưng có thể được điều chỉnh dựa trên các yếu tố sau:

  • Hoàn cảnh gia đình và của vợ, chồng.

  • Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển tài sản chung.

  • Lỗi của mỗi bên trong việc vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ chồng.

Khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 6/1/2016 cũng hướng dẫn chi tiết về các yếu tố này. 

4. Trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia:

a) “Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng” là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.

b) “Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung” là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.

c) “Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập” là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.

Ví dụ: Vợ chồng có tài sản chung là một chiếc ô tô người chồng đang chạy xe taxi trị giá 400 triệu đồng và một cửa hàng tạp hóa người vợ đang kinh doanh trị giá 200 triệu đồng. Khi giải quyết ly hôn và chia tài sản chung, Tòa án phải xem xét giao cửa hàng tạp hóa cho người vợ, giao xe ô tô cho người chồng để họ tiếp tục kinh doanh, tạo thu nhập. Người chồng nhận được phần giá trị tài sản lớn hơn phải thanh toán cho người vợ phần giá trị là 100 triệu đồng.

d) “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.

Ví dụ: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.

5. Giá trị tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc.

6. Khi giải quyết chia tài sản khi ly hôn, Tòa án phải xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Ví dụ: Khi chia nhà ở là tài sản chung và là chỗ ở duy nhất của vợ chồng, trong trường hợp không chia được bằng hiện vật thì Tòa án xem xét và quyết định cho người vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi con chưa thành niên, con bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự nhận hiện vật và thanh toán giá trị tương ứng với phần tài sản được chia cho người chồng hoặc vợ nếu người vợ hoặc chồng có yêu cầu.

Vì vậy, dù không có cơ sở để yêu cầu bồi thường thanh xuân, bạn vẫn có thể cung cấp các bằng chứng về lỗi của chồng trong hôn nhân hoặc chứng minh công sức đóng góp của mình để yêu cầu Tòa án phân chia tài sản một cách công bằng hơn, đảm bảo quyền lợi cho bạn và các con.

Trên đây, là giải đáp thắc mắc của ESLaw về câu hỏi có được yêu cầu chồng bồi thường thanh xuân khi ly hôn . Mọi vướng mắc xin liên hệ 0977.555.822 hoặc gửi thư về địa chỉ mail: hanoi@eslaw.vn để được tư vấn và giải đáp. Trân trọng cảm ơn!           

 

ESLAW
Tác giả ESLAW Admin
Bài viết trước Thủ tục ly hôn gồm những gì? Thực hiện như thế nào?

Thủ tục ly hôn gồm những gì? Thực hiện như thế nào?

Bài viết tiếp theo

Mẫu biên bản thỏa thuận phân chia tài sản của hai vợ chồng khi ly hôn

Mẫu biên bản thỏa thuận phân chia tài sản của hai vợ chồng khi ly hôn
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Bài viết liên quan

Thông báo

Facebook
Zalo
Hà Nội
HCM