Cần làm gì khi vợ không cho gặp con sau khi ly hôn
Tôi và vợ cũ có một con chung 6 tuổi. Sau khi ly hôn, con sống với mẹ. Gần đây, vợ cũ của tôi ngăn cản tôi gặp con, dù tôi vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cấp dưỡng. Xin Luật sư tư vấn, tôi cần làm gì khi vợ không cho gặp con sau khi ly hôn?
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến trang hòm thư tư vấn của ESLaw. Đối với trường hợp của bạn, ESLaw xin đưa ra ý kiến như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau ly hôn như sau:
Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Theo quy định, thì bạn hoàn toàn có quyền và nghĩa vụ thăm con mà không ai được cản trở kể cả vợ bạn.
Nếu có thể, bạn nên thương lượng với vợ và gia đình vợ để đảm bảo quyền thăm nom con của bạn. Tuy nhiên, nếu vợ cũ của bạn vẫn nhất quyết ngăn cản bản gặp còn, thì theo quy định tại Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP hành vi cấm thăm nom con có thể bị xử phạt hành chính như sau:
Điều 56. Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.
Để đảm bảo quyền và lợi ích của mình, bạn có thể tố cáo hành vi cản trở quyền thăm con tới cơ quan công an hoặc Ủy ban nhân dân để cơ quan có thẩm quyền xử phạt hoặc xin xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an về việc vợ cũ của bạn có hành vi cản trở quyền thăm con để yêu cầu cơ quan thi hành án việc chăm nom, chăm sóc con theo bản án, quyết định của Tòa án. Trong trường hợp vợ cũ của bạn không tự nguyện thi hành, cơ quan thi hành án sẽ có biện pháp cưỡng chế.
Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính hay yêu cầu cơ quan thi hành án can thiệp thường mất khá nhiều thời gian nhưng kết quả mang lại chỉ dừng ở mức tạm thời, trong một thời gian ngắn. Trên thực tế, sau khi bị phạt cảnh cáo hoặc cưỡng chế thi hành thì người nuôi dưỡng trực tiếp lại tiếp tục ngăn can quyền thăm nuôi con của người còn lại.
Vì vậy, để không phải lặp lại tình trạng này thì bạn nên đề nghị Tòa án thay đổi quyền nuôi con theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình:
Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
Xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an về việc vợ cũ của bạn có hành vi cản trở quyền thăm con hoặc văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi ngăn cản của cơ quan thi hành án với người vi phạm sẽ là các chứng cứ quan trọng để Tòa án chấp nhận yêu cầu thay đổi quyền nuôi con của bạn.
Trên đây, là giải đáp thắc mắc của ESLaw về cần làm gì khi vợ không cho gặp con sau khi ly hôn . Mọi vướng mắc xin liên hệ 0977.555.822 hoặc gửi thư về địa chỉ mail: hanoi@eslaw.vn để được tư vấn và giải đáp. Trân trọng cảm ơn!
Chia sẻ
Bài viết liên quan
Ly hôn do ngoại tình có được chia tài sản chung?
Vợ tôi đã nộp đơn ly hôn và tôi cũng đồng ý (chúng tôi đã sống ly thân hơn 3 năm nay). Tuy nhiên, vợ ...
Không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì bị xử lý như thế nào?
Chúng tôi đã ly hôn được một năm, chúng tôi có một con chung năm nay 7 tuổi và đang trong độ tuổi đi ...
Các con có được chia tài sản khi bố mẹ ly hôn không?
Tôi có thắc mắc muốn nhờ luật sư tư vấn: Vợ chồng tôi trong thời kỳ hôn nhân có một số tài sản giá ...
Tòa không thụ lý vụ án ly hôn, người dân có thể kiện không?
Em đã ly thân với chồng gần 3 năm và đã nộp đơn ly hôn lên tòa án. Tuy nhiên, sau 4 tháng kể từ khi ...
Chồng đang đi tù có được ly hôn không?
Vợ chồng tôi đã ly thân được hơn 2 năm. Mới đây, chồng tôi bị bắt về tội tù vì tội mua bán trái phép ...
Thủ tục thay đổi họ tên cho con khi vợ chồng đã ly hôn
Tình trạng ly hôn gia tăng tại Việt Nam khiến nhiều cha mẹ muốn đổi họ con theo họ của mình nếu được ...